MỘT CÂU ĐẦY BÍ HIỂM ?

 Đức Giê-su nói, những gì đã được ban cho hiểu nơi các ngươi cuối cùng đã trở thành chai cứng và không còn hiểu được. Các ngươi có thể an thân ẩn nấp sau những hàng chữ bề mặt – và bám lại ở đó, thành ra chẳng muốn hiểu gì nữa. Như thế, lời Chúa có thể nói trở thành lời phán xét, vì người ta cứ bám vào vỏ chữ, chẳng còn muốn hiểu vào chiều sâu của chúng.

Dụ ngôn có mục đích đưa con người tới gần những cái không thể hiểu. Về mặt sư phạm, dụ ngôn quả là một phương pháp tuyệt diệu. Những bí ẩn cao xa, muôn đời được kể ra trong những câu chuyện thường nhật, nhờ đó bí ẩn Thiên Chúa bỗng sáng ra, dễ hiểu ra. Và qua những điều tầm thường, qua hạt giống, mùa gặt, qua những câu chuyện như chuyện La-da-rô hay người Sa-ma-ri-ta, cái cao cả lớn lao lại hiện ra.

Thiên Chúa đến với con người qua Đức Ki-tô. Ngài dùng ngôn ngữ loài người để nói với họ, trình bày ngôn ngữ đó bằng những kinh nghiệm, hiểu biết, cơ cấu sinh hoạt hàng ngày của họ, để nhờ cái gần gũi và thường nhật đó mở ra cho họ thấy được cái cơ bản. Trong ý nghĩa đó, lời Chúa quả thật mang tính vượt thời gian và toả trùm mọi văn hoá, vì nó nối liền với những sinh hoạt uyên nguyên của con người.

Nhưng rõ ràng lời Chúa còn mang thêm một cấp độ, một mật mã khác. Ngài đã có lần nói, muốn hiểu lời Chúa thì buộc „phải cùng sống với Đức Ki-tô. Những ai chỉ muốn hiểu lời đó bằng trí óc, qua lịch sử hay bằng phỏng đoán, thì không thể nào hiểu nổi“.

Nếu tôi đọc Kinh Thánh một cách hời hợt và không quan tâm tới tính siêu việt của nó nằm nơi những diễn biến đơn giản, thì tôi lạc đường, không đi vào được nội dung của dụ ngôn.

Mỗi dụ ngôn dẫn tôi bước vào một con đường. Thoạt tiên tôi thấy những gì ai cũng thấy, những gì tôi đã biết. Và rồi tôi biết là không phải chỉ có thế. Như vậy, tôi phải học nhìn vượt qua những cảm nhận thường nhật. Nếu như tôi, trái lại, cứ bám vào bề mặt và không nhìn xuyên qua được cái thường ngày, thì tôi sẽ chẳng nhìn ra được sự thật nằm sâu trong câu chuyện, và nhất là dụ ngôn bao giờ cũng gắn liền với chính cuộc sống của  Đức Giê-su. Một số dụ ngôn trở thành một thứ chìa khoá để hiểu tiểu sử tự thuật của  Đức Giê-su, và tiểu sử đó lại chỉ biểu hiện qua chính cuộc sống và khổ nạn của Ngài.